Ngày càng nhiều cặp đôi lựa chọn Lễ Hằng Thuận như một cách khởi đầu hôn nhân đầy ý nghĩa trong không gian trang nghiêm của chùa. Vậy Lễ Hằng Thuận là gì? Nghi thức tổ chức ra sao? Đâu là những điều cần lưu ý? Cùng Asia Center tìm hiểu nhé!
Lễ Hằng Thuận là gì?
Lễ Hằng Thuận là một nghi thức cưới mang đậm dấu ấn Phật giáo, được tổ chức tại chùa dưới sự chứng minh của Đức Phật, chư tăng ni và sự chúc phúc từ hai bên gia đình. Nghi lễ này giúp cô dâu, chú rể ý thức sâu sắc về sự thiêng liêng của hôn nhân, lấy giáo lý nhà Phật làm kim chỉ nam để xây dựng gia đình hạnh phúc.
Lễ Hằng Thuận bắt nguồn từ Hải Dương, do ông Nguyễn Trọng Thuật (1883 – 1940), một nhà nho quy y Phật khởi xướng. Ông mong muốn đưa giáo lý nhà Phật vào đời sống hôn nhân, giúp các đôi vợ chồng sống có trách nhiệm và hướng thiện.
Lễ Hằng Thuận đầu tiên diễn ra năm 1930 tại chùa Từ Đàm (Huế) trong đám cưới con gái bác sĩ Lê Đình Thám. Mãi đến năm 1971, Hòa thượng Thích Thiện Hòa – một bậc cao tăng đức độ, có nhiều đóng góp lớn cho Phật giáo Việt Nam – mới chính thức đặt tên cho nghi thức cưới tại chùa là Lễ Hằng Thuận.

Nghi thức Lễ Hằng Thuận
Thời điểm thích hợp để tổ chức Lễ Hằng Thuận
Theo phong tục cưới hỏi truyền thống của người Việt, một đám cưới thường bao gồm ba nghi lễ chính: Lễ Dạm Ngõ, Lễ Đính Hôn và Lễ Cưới. Trong đó, Lễ Hằng Thuận thường được tổ chức vào cùng ngày hoặc sau Lễ Cưới để đảm bảo sự thuận tiện và trọn vẹn.
Các cặp đôi có thể lựa chọn hai thời điểm phổ biến sau:
-
Sau lễ rước dâu: Gia đình hai bên di chuyển đến chùa ngay sau khi hoàn tất nghi lễ rước dâu tại nhà gái. Sau đó, gia đình nhà trai sẽ tiếp tục thực hiện nghi thức Gia Tiên như truyền thống.
-
Sau lễ thành hôn: Cô dâu, chú rể tiến hành nghi thức cưới hỏi tại tư gia trước, rồi sau đó đến chùa để làm lễ. Nhiều gia đình chọn tổ chức tiệc cưới chay ngay tại chùa để giữ không gian thanh tịnh và trang nghiêm.
Nếu không thể tổ chức vào ngày cưới, cặp đôi có thể thực hiện Lễ Hằng Thuận sau đó khoảng 1 – 2 ngày, tùy vào điều kiện và sắp xếp của hai bên gia đình.
Nghi thức tổ chức Lễ Hằng Thuận
Lễ Hằng Thuận được cử hành tại chùa theo một trình tự trang nghiêm, bao gồm ba phần chính:
Ổn định vị trí
Mọi người ổn định chỗ ngồi, lên đèn nhang đầy đủ, xông hương trầm để nghinh đón vị chủ trì hôn lễ. Gia đình hai bên được sắp xếp chỗ ngồi theo nguyên tắc “nam tả, nữ hữu” (từ trong chính điện nhìn ra), tức là nhà trai đứng bên trái, nhà gái đứng bên phải. Chư tôn Hòa thượng sẽ an vị trên khán đài, chứng minh cho buổi lễ.
Cử hành nghi lễ chính
Nghi thức Lễ Hằng Thuận có những nét tương đồng với hôn lễ truyền thống, nhưng chủ hôn chính là chư Tăng, Ni hoặc Hòa thượng được mời chứng minh.
-
Tuyên bố lý do & giới thiệu thành phần tham dự
Vị chủ trì buổi lễ tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu, gia đình hai bên và trình bày chương trình buổi lễ. -
Tụng kinh cầu nguyện
Chư tôn đức và toàn thể hội chúng cùng tụng kinh để cầu nguyện cho đôi tân lang – tân nương có cuộc sống hôn nhân bền vững, hạnh phúc. -
Lễ quy y (nếu chưa quy y Tam Bảo)
Nếu cô dâu, chú rể chưa quy y, quý Thầy, Cô sẽ làm lễ quy y ngay tại buổi lễ. Nếu đã quy y trước đó thì sẽ không cần thực hiện nghi thức này. -
Phát nguyện & nhận lời giáo huấn
Cô dâu, chú rể quỳ trước tượng Phật, phát nguyện sống theo giáo lý nhà Phật và lắng nghe lời răn dạy về đạo nghĩa vợ chồng, bổn phận với gia đình và xã hội từ vị trụ trì chủ trì buổi lễ. -
Nghi thức buộc dây tơ hồng
Vị chủ trì buộc dây tơ hồng màu đỏ (bằng ruy băng, len hoặc lụa) vào tay cô dâu, chú rể, biểu trưng cho sự gắn bó, hòa hợp và đồng hành bên nhau suốt đời. -
Ký giấy chứng nhận & trao nhẫn cưới
Sau khi ký giấy chứng nhận hôn lễ, cô dâu – chú rể trao nhẫn cưới và được lắng nghe lời chia sẻ về ý nghĩa của nhẫn trong hôn nhân.
-
Lời dạy của đại diện gia đình
Đại diện hai bên gia đình gửi gắm lời khuyên, động viên và chúc phúc cho đôi trẻ. -
Trao hoa & quà tri ân
Chủ lễ và gia đình có thể tặng hoa, quà cho nhau như lời cảm ơn vì đã cùng hoàn thành tâm nguyện, đồng thời gửi lời chúc phúc cho đôi uyên ương. -
Cúng dường Tam Bảo
Buổi lễ khép lại bằng việc cúng dường nhà chùa, thể hiện lòng thành kính và cầu mong sự gia hộ cho cuộc hôn nhân viên mãn.
Những lưu ý quan trọng khi tổ chức đám cưới tại chùa
Đám cưới là sự kiện trọng đại, vì vậy cần chuẩn bị kỹ lưỡng để buổi lễ diễn ra suôn sẻ, trọn vẹn. Dưới đây là những điều cần lưu ý khi tổ chức Lễ Hằng Thuận tại chùa:
- Chủ động liên hệ với chùa nơi muốn tổ chức để tìm hiểu về thủ tục, thời gian và quy định của chùa;
- Thông báo với nhà chùa về việc hai bạn đã quy y chưa (pháp danh chưa). Nếu như chưa có, cặp đôi có thể được làm lễ quy y trước Lễ Hằng Thuận. Trong một số trường hợp gấp rút, các Thầy sẽ tiến hành công đoạn này trong khi diễn ra hôn lễ;
- Nên tổ chức lễ hằng thuận ở nơi tân lang, tân nương đã từng quy y vì có thể đây sẽ là nơi thân thuộc với cả hai, sẽ cảm thấy yên tâm và tự tin hơn;
- Gia đình nên liên hệ với chùa trước để thống nhất vể những hạng mục cần chuẩn bị, lịch trình lễ cưới tại tư gia để các sư thầy sắp xếp, bảo đảm thuận lợi, đúng với mong muốn;
- Thống nhất trước với chùa về cách trang trí, loại hoa, bánh, trà sử dụng trong buổi lễ. Việc trang trí phải đơn giản, tinh tế, đúng quy định của chùa. Hoặc nếu cần, nghi lễ này sẽ được các vị Phật tử chuẩn bị giúp;
- Xác định số lượng khách tham dự để chuẩn bị tiệc chay hoặc tiệc ngọt đầy đủ, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Có thể tham khảo kinh nghiệm từ các cặp đôi từng tổ chức trước đó;
- Chuẩn bị áo dài cưới và báo với khách về trang phục dự lễ Hằng Thuận kín đáo, trang trọng và lời nói nhỏ nhẹ, từ tốn để giữa không khí trang nghiêm cho buổi lễ;
- Sau khi kết thúc hôn lễ, cần thu dọn gọn gàng, vệ sinh sạch sẽ để trả lại không gian thanh tịnh cho nhà chùa.
Lễ Hằng Thuận dành cho ai? Có bắt buộc không?
Lễ Hằng Thuận không bắt buộc trong hôn nhân, mà là một nghi thức cưới mang ý nghĩa tâm linh dành cho những cặp đôi có niềm tin vào Phật giáo. Đây là một lựa chọn tự nguyện, giúp đôi vợ chồng nhận được sự gia hộ của Tam Bảo, đồng thời hiểu rõ hơn về đạo lý vợ chồng theo tinh thần Phật pháp.